DetailController

UBND phường

Di tích lịch sử Đình Tương Mai, phường Tương Mai, HM, Hà Nội

05/06/2023 07:54
Đình Tương Mai

Đình Tương Mai[1]

Thờ Thành hoàng là Thượng tướng Trần Khát Chân. Đình được xây dựng vào đời Hậu Lê. Lúc mới xây xong, đình trông về hướng Tây, nhìn ra con đường thiên lý từ kinh thành Thăng Long đi các tỉnh phía Nam. Thượng tướng Trần Khát Chân là vị tướng tài, có công giữ nước. Ông là người trung nghĩa, có công lao to lớn xây dựng thái ấp Cổ Mai.

Cuối năm Kỷ Tỵ (1389), quân Chiêm Thành kéo quân ra xâm chiếm Thăng Long. Thái Thượng hoàng Trần Nghệ Tông sai Đô tướng Trần Khát Chân chỉ huy quân Long Tiệp đi cự giặc. Ngày 25 tháng Giêng năm Canh Ngọ (1390), Trần Khát Chân tiêu diệt Chế Bồng Nga, đánh thắng quân Chiêm Thành. Từ đây, quân Chiêm không bao giờ dám tiến quân xâm lược Đại Việt. Ông được vua đặc cách gia phong từ Đô tướng lên chức Long Tiệp Phụng Thần Nội Vệ Thượng Tướng Quân tước Vũ Tiết Quan Nội Hầu[2]. Người em trai là Trần Hãng[3] theo anh đi đánh giặc lập công cũng được phong Thái Tử Thái Bảo Thượng Vị Hầu. Vua ban cho hai anh em Trần Khát Chân, Trần Hãng vùng Cổ Mai làm thực ấp. Trần Khát Chân đưa gia đình, gia tướng, gia binh và chiêu mộ dân cư lập ấp, dựng doanh trại, huấn luyện quân sỹ, trấn giữ cửa ngõ phía Nam kinh thành.

Trần Khát Chân cho xây dựng dinh thự trên gò Kỳ Lân tức Mi Động ở trung tâm thái ấp, lấy Bến Lừ xây dựng doanh trại, huấn luyện tướng sỹ, lập trại thủy binh ở Sở Thượng, Sở Hạ. Dựa vào Đông Mai, Tây Mai làm gốc chiêu mộ dân các nơi về lập nghiệp. Dân các nơi cư ngụ ngày càng đông, cụm Đông Mai mở rộng đến bến Lừ gọi là xóm Bến; cụm Tây Mai mở rộng ra đường cái quan tới bãi sa bồi sông Tương gọi là Tương Mai.

Cuối đời Trần, nhà Trần suy vi. Hồ Quý Ly tiếm ngôi nhà Trần. Trước đó, ngày 23 tháng 4 năm Kỷ Mão, Hồ Quý Ly cùng nhà Vua và quần thần dự Hội thề trên núi Đốn tức Cung Sơn, thuộc xã Cao Mật. Trần Khát Chân cùng gia tướng mưu sát Hồ Quý Ly nhưng việc không thành. Anh em Trần Khát Chân, Trần Hãng cùng hơn 370 người có liên can bị xử chém ở Hà Lương, Vĩnh Lộc, Thanh Hóa vào ngày 24 tháng 4 năm Kỷ Mão (1399)[4]. Nhân dân Cổ Mai vô cùng thương tiếc hai ông, đã lập Đình thờ ngay trên dinh thự, gọi là Đình Đụn, tên hiệu “Biểu Trung Từ”. Đến triều Nguyễn, đổi tên làng là Hoàng Mai, nên gọi là đình Hoàng Mai.

Nhớ công ơn của Trần Khát Chân, làng Tương Mai và cả vùng Kẻ Mơ suy tôn ông làm Thành hoàng[5]. Dấu tích Thái ấp Trần Khát Chân còn lại ở làng Tương Mai hiện nay là địa danh Đống Sành, nơi sản xuất đồ sành sứ.

Trong Đình thờ Trần Khát Chân, pho tượng Ông được tạc bằng đá xanh, to gấp hai lần người thật, đầu đội mũ quan võ, tay cầm hốt, ngồi trên ngai. Tượng được đặt trên bệ đá uy nghi, xung quanh tạc hổ phù, hoa văn sóng nước, cánh sen chạm khắc tinh xảo. Đình hiện còn giữ được 11 đạo sắc phong của các triều đại phong kiến, khắc ghi cống hiến, tôn vinh Trần Khát Chân. Hằng năm, nhân dân tổ chức tế lễ trọng thể vào ngày ông bị Hồ Quý Ly sát hại (24 tháng 4 Kỷ Mão, 1399), chính là ngày tổ chức Lễ hội làng Tương Mai.

Ngôi đình thờ Trần Khát Chân đã được Thành phố Hà Nội xếp hạng “Di tích lịch sử” ngày 24 -12- 1984.

 

[1] Đình Tương Mai xưa gồm có Đình trong và Đình ngoài, được xây dựng vào năm Đức Chính (1530-1540), đã bị đốt để thực hiện tiêu thổ kháng chiến năm 1946-1947. Đình trong vốn là ngôi đình cổ, to lớn, có cột gỗ lim to cả người ôm, nằm ở giữa làng, thường là nơi tổ chức lễ hội của Tương Mai. Phần lớn diện tích của đình trong được xây trường học cấp I, phần diện tích nhỏ còn lại và hai cột trụ cổng đình xưa là mốc giới. Đình ngoài, nguyên là miếu thờ Thượng tướng Trần Khát Chân, được sửa chữa, phục dựng nhiều lần, có diện mạo như hiện nay. Đình được Uỷ ban nhân dân Thành phố Hà Nội quyết định xếp hạng Di tích Lịch sử tại Quyết định  số 8933/QĐ/UB ngày 24-12-1984.

[2] Đại Việt sử ký toàn thư bản ký - tập VIII.

[3] Hai anh em ông đều giỏi cả văn, cả võ thi đỗ Thái học sinh rồi đầu quân chờ dịp đánh giặc. Trần Khát Chân được phong chức Đô Tướng, Trần Hãng giữ chức Tham tán Quân vụ.

[4] Năm 1395, ông vào Tây Đô, giao con là Trần Thông cùng thái ấp cho em là bà Vũ Thị Ngọc Tín trông nom, quản lý. Khi sự việc xẩy ra, bà Tín đã cho thay tên đổi họ trốn thoát. Đến năm 1413, thời vua Trần Trùng Quang mới được minh oan.

[5] Việc tách hai thôn và tại sao đình Tương Mai thờ Trần Khát Chân; đình Hoàng Mai thờ Trần Hãng hiện chưa tìm được minh chứng. Có câu chuyện lưu truyền dân gian là: do bất đồng giữa hai thôn, nên trong một đêm tối trời, trai tráng thôn Tương Mai đã lén vào đình Đụn lấy trộm được tượng ông anh, cùng bài vị, bát nhang mang về Tương Mai để xây đình thờ, tách thành làng riêng. Khi người thôn Đông, thôn Đoài biết cho tuần đinh đuổi theo thì tượng Trần Khát Chân đã được đưa về Tương Mai. “Đống Sành”, “Đống Ốc”, “Đống Táo” đó là di tích vật cản.

NewsByCategory